Chủ tịch Varisme Nguyễn Ngọc Quang: Đưa nông sản của doanh nghiệp hiệp hội từ làng ra quốc tế

DN&TH; Trước thềm năm mới 2018, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam (VARISME) Nguyễn Ngọc Quang đã có những chia sẻ đầy tâm huyết với Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu về hướng đi và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của các đơn vị, doanh nghiệp thuộc hiệp hội ra Quốc tế.

PV: Xin ông đánh giá một cách tổng quan về nhiệm vụ, giải pháp đã thực hiện trong năm 2017 của VARISME?

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Quang:

Từ 20/5/2017, sau khi tổ chức Đại hội thành công, Hiệp hội đã kiện toàn tất cả văn kiện của Đại hội. Đồng thời, xây dựng, ban hành nội quy, quy chế nội bộ; tham gia Hội nghị tập huấn của Ban Đối ngoại, Ban kinh tế Trung ương định hướng cho nông nghiệp sạch và ngành dược Việt Nam bền vững đến 2035.

VARISME đã rà soát các đơn vị trực thuộc, đánh giá hiệu quả hoạt động, chấn chỉnh đơn vị hoạt động không hiệu quả. Trong đó, với một số trường, cơ sở đào tạo hoạt động kém hiệu quả đã được chấn chỉnh, giao nhiệm vụ cho người có năng lực tốt hơn để đảm nhiệm các vị trí quản lý.

Một mặt làm được khác đó là Hiệp hội đã xây dựng thành công Đề án phát triển hiệp hội trong thời kỳ mới tiến tới công nghệ 4.0; Kết nối với tổ chức tài chính của Đài Loan tạo nguồn vốn hỗ trợ cho vay cho các hv mua sắm dây chuyền thiết bị về sản xuất. Đáng chú ý, qua làm việc với một loạt các tỉnh miền Trung Tây Nguyên và và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về phát triển dược liệu, cây thuốc quý. Năm quan, Hiệp hội cũng đã kết nạp mới thêm 40 hội viên là tổ chức, cá nhân, nâng tổng số Hội viên của Hiệp hội lên con số gần 1300.

Nhìn chung với các giải pháp từ sau Đại hội đã giúp ổn định tổ chức; gắn kết các thành viên của hiệp hội thành một khối thống nhất để phát huy nội lực, hỗ trợ hội viên cùng nhau phát triển. Liên kết với một số Hội về lĩnh vực: nuôi biển Việt Nam; thỏ; sinh vật cảnh; mây tre đan;…để xúc tiến việc tiêu thụ sản phẩm nông sản của các doanh nghiệp thuộc hiệp hội trong nước cũng như tìm đường ra nước ngoài.

PV: Ông có thể phân tích cụ thể hơn một trong những điểm nhấn, ấn tượng của Hiệp hội trong phối hợp, liên kết với các tổ chức để giúp tiêu thụ, phát triển sản phẩm nông nghiệp?

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Quang:

Một trong những hoạt động liên kết, phối hợp nổi bật nhất trong năm qua của Hiệp hội đó là làm việc với 2 quỹ của các tổ chức quốc tế: FAO và IPAS. Hiện nay, hoạt động của Quỹ IPAS đang triển khai khá mạnh tại 9 tỉnh, thành phố trong cả nước với các hoạt động chính: xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi và hỗ trợ khác cho trẻ em suy dinh dưỡng vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn…mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Trong các hỗ trợ đó, Hiệp hội đã tham gia tích cực xây dựng và vận hành hiệu quả, mô hình trang trại nuôi thịt thỏ giống tại Định Hóa, Thái Nguyên và Hát Môn, Mê Linh và trang trại thịt thỏ thương phẩm tại ở xã Trường Sơn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Tại đây, Công ty thực phẩm Hà Nội (Thành viên của VARISME) đã xây dựng một xí nghiệp chế biến thịt thỏ, xúc xích thỏ, thỏ hun khói…bên cạnh một trang trại  là vùng nguyên liệu thỏ của khu vực gần nhà máy Fomosa. Giúp bà con vùng khó khăn sau đặc biệt sau sự cố Fomosa chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển các nông trại nuôi thỏ tập trung. Với quy mô 11 nghìn m2, mặt bằng của trang trại thỏ thương phẩm gắn với xí nghiệp chế biến đã vận hành rất tốt. Mô hình được tỉnh Hà Tĩnh cũng như huyện Hương Sơn ủng hộ và đánh giá rất cao.

Người dân nuôi thỏ được hỗ trợ giống thỏ nhập từ Pháp về; hỗ trợ kỹ thuật, chăm nuôi chăm sóc, y tế. Khi sản phẩm thịt thỏ thương phẩm được tạo ra bởi người dân thì VARISME đã kết nối, bao tiêu sản phẩm đầu ra để vào siêu thị, và các nhà hàng, cơ sở dịch vụ. Thậm chí kênh bán hàng online (mà Thành viên của Hiệp hội – Công ty thực phẩm Hà Nội đảm nhiệm) còn không đủ thịt thỏ thương phẩm để bán.

Việc đảm bảo đầu ra sản phẩm tốt, quay trở lại với bài toán trung bình 1 năm, 1 thỏ sản xuất ra khoảng 36 con thỏ giống đã giúp ích, làm lợi khá nhiều cho người dân xã Trường Sơn, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Đây sẽ là mô hình thí điểm và dự kiến sẽ được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với sư gắn chặt của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội.

PV: Chủ tịch có thể chia sẻ phương hướng, nhiệm vụ trong năm mới 2018 của Hiệp hội và các giải pháp sắp tới không, thưa ông?

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Quang:

Hiệp hội sẽ kiên trì đi theo Đề án phát triển hiệp hội trong thời kỳ mới tiến tới công nghệ 4.0 đã được xây dựng. Làm sao, kêu gọi sự hỗ trợ các tùy viên thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm mà xuất phát điểm từ nông thôn Việt Nam từ: thóc gạo, mía, lúa, cho tới mây tre đan và các sản phẩm ngành nghề nông thôn khác của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội ra với bạn bè quốc tế.

Mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị hội viên của Hiệp hội tiếp cận với những công nghệ tiên tiến của Thế giới để áp dụng vào Việt Nam đồng thời đưa các sản phẩm nông sản không chỉ từ làng ra phố mà còn ra quốc tế.

Song song với đó, Hiệp hội cũng sẽ từng bước nâng cao uy tín và thương hiệu của Hiệp hội theo Đề án củng cố và phát triển đã ban hành bao gồm “hai đẩy mạnh”: đẩy mạnh về quan hệ với các bộ, ngành chủ quản và liên quan, VCCI…để tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, tìm kiếm các cơ hội xúc tiến thương mại, nguồn tài trợ cho Hội; Đẩy mạnh quan hệ với các tổ chức hội nghề nghiệp trong khu vực và quốc tế để nâng cao hình ảnh hội nhập Quốc tế của Hội, tranh thủ sự ủng hộ và tìm kiếm cơ hội thị trường cho hội viên.

Hiệp hội cũng sẽ triển khai “hai sáng tạo, cải tiến”. Trong đó, sáng tạo đề xuất của Chính phủ cho phép Hội đăng ký tổ chức chương trình thi đua thường niên trao giải quốc gia vinh danh cho các doanh nghiệp, cá nhân xuất sắc hoạt động lĩnh vực ngành nghề nông thôn. Đồng thời, cải tiến hình thức nội dung trang web và Tạp chí của Hội để trở thành kênh quảng bá mạnh mẽ thương hiệu của Hội và của các hội viên.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

Các tin khác

VARISME hợp tác chiến lược cùng huyện Đức Cơ vì biên giới giàu mạnh

VARISME hợp tác chiến lược cùng huyện Đức Cơ vì biên giới giàu mạnh

Với lợi thế là huyện nông nghiệp, có diện tích đất sản xuất rộng lớn và màu mỡ, việc Hiệp hội VARISME hợp tác chiến lược với huyện Đức Cơ góp phần xây dựng biên giới ngày càng giàu mạnh.

Hội thảo khoa học “Tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”

Hội thảo khoa học “Tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”

Sáng 12/11 tại Hà Nội, Viện chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo khoa học “Tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” nhằm tìm kiếm giải pháp đẩy mạnh cho vay, cấp tín dụng cho nông nghiệp sạch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Xây dựng chiến lược phát triển công ty TNHH MTV KTCTTL Bắc Hưng Hải

Xây dựng chiến lược phát triển công ty TNHH MTV KTCTTL Bắc Hưng Hải

Sáng ngày 29/10 tại Hải Dương, công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (Công ty KTCTTL Bắc Hưng Hải) tổ chức hội thảo xin ý kiến cho dự thảo “Xây dựng chiến lược phát triển công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Hưng Hải” nhằm hoàn thành chiến lược và báo cáo Bộ Nông nghiệp & PTNT với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi do Bộ Nông nghiệp & PTNT quản lý.