Hàng trăm tấn tinh dầu quế tồn kho, VPSA kiến nghị Chính phủ gỡ khó

Tinh dầu quế tồn kho do vướng quy định xuất khẩu, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) có văn bản kiến nghị Chính phủ tháo gỡ

Văn bản nêu rõ, các doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu quế tại Lào Cai và Yên Bái hiện đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu khi tất cả các loại tinh dầu đều phải áp dụng quy định về kinh doanh dược liệu. Việc này không phù hợp với điều kiện sản xuất, sản phẩm và thị trường tiêu thụ cũng như năng lực chế biến quy mô nhỏ lẻ của ngành chế biến tinh dầu quế Việt Nam hiện nay.

Do đó, làm phát sinh rất nhiều chi phí, đòi hỏi thêm các giấy phép kinh doanh có điều kiện trong khi đây là sản phẩm giá trị gia tăng, giúp khai thác và tận dụng tối đa 100% giá trị cây quế.

Văn bản của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc trong quy định xuất khẩu mặt hàng tinh dầu quế. Ảnh: Trung Quân.

Văn bản của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc trong quy định xuất khẩu mặt hàng tinh dầu quế. Ảnh: Trung Quân.

Sản phẩm tinh dầu quế yêu cầu công nghệ chế biến và tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, là sản phẩm tận thu của cây quế (cành lá khi cắt tỉa có tỷ lệ sản xuất cao, 150 tấn lá cành cho ra 1 tấn tinh dầu) và không sử dụng làm thuốc mà chỉ được xuất khẩu làm nguyên liệu cho thực phẩm, đồ uống theo yêu cầu thị trường nhập khẩu.

Ngày 4/3/2021, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BYT về việc bãi bỏ một phần quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT, các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Theo đó, có bãi bỏ một số danh mục hàng hóa như: cam, gừng, chanh, quế chi, quế vỏ. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 03/2021 được sử dụng với mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc thì thực hiện theo các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về dược.

Ngày 25/9/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư số 17/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

 

Theo đó, một số điều được sửa đổi tại Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 quy định việc quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm; khoản 4 Điều 5 Thông tư số 24/2019 quy định: Hương liệu dùng trong thực phẩm bao gồm các hương liệu đã được JECFA đánh giá, xác định an toàn ở các lượng ăn vào dự kiến hoặc lượng ăn vào hàng ngày chấp nhận được (ADI). Các hương liệu này phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tương ứng về nhận biết và độ tinh khiết; tuân theo quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6417:2010 hướng dẫn sử dụng hương liệu và các quy định cụ thể tại Thông tư này.

Điều 4 Thông tư số 17/2023 quy định: Hương liệu dùng trong thực phẩm bao gồm các hương liệu thuộc một trong các danh mục sau: Hương liệu đã được JECFA đánh giá, xác định an toàn ở các lượng ăn vào dự kiến hoặc lượng ăn vào hàng ngày chấp nhận được (ADI). Hương liệu được công nhận an toàn (GRAS) ban hành bởi Hiệp hội các nhà sản xuất hương và chất chiết xuất của Hoa Kỳ (FEMA). Hương liệu dùng trong thực phẩm của Liên minh châu Âu ban hành bởi Nghị viện và Hội đồng Liên minh châu Âu.

Do việc quy định và quản lý mặt hàng tinh dầu quế hiện nay theo các quy định trên đã gây khó khăn do doanh nghiệp muốn xuất khẩu mặt hàng này. Tại vùng nguyên liệu hiện đang tồn kho khoảng 100 tấn tinh dầu quế và ước tính hết vụ quế mùa xuân tháng 3-4/2024 sẽ có thêm khoảng 400 tấn. Giá trị thị trường khoảng 400 triệu đồng/tấn.

Theo VPSA, tại vùng nguyên liệu hiện đang tồn kho khoảng 100 tấn tinh dầu và ước tính hết vụ quế mùa xuân tháng 3-4/2024 sẽ có thêm khoảng 400 tấn. Giá trị thị trường khoảng 400 triệu đồng/tấn. Ảnh: TL.

Theo VPSA, tại vùng nguyên liệu hiện đang tồn kho khoảng 100 tấn tinh dầu và ước tính hết vụ quế mùa xuân tháng 3-4/2024 sẽ có thêm khoảng 400 tấn. Giá trị thị trường khoảng 400 triệu đồng/tấn. Ảnh: TL.

Trên cơ sở đó, VPSA kiến nghị, nhóm mặt hàng tinh dầu nói chung và tinh dầu quế nói riêng là nhóm hàng lưỡng dụng, hiện được sử dụng cho nhu cầu thực phẩm trên thế giới rất lớn; trong tương lai các cây gia vị khác của Việt Nam cũng có khả năng phát triển chế biến sâu là sản phẩm tinh dầu. Do đó, VPSA cho rằng việc quản lý cần tạo điều kiện hỗ trợ xuất khẩu tối đa, nhất là xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng và nông nghiệp tuần hoàn, hỗ trợ giảm phát thải các bon, sinh kế của bà con dân tộc vùng cao.

Trước đó, VPSA đã có văn bản gửi các Bộ: NN-PTNT, Công thương, Tổng cục Hải quan, đồng thời kiến nghị Bộ Y tế xem xét tạo điều kiện cho tinh dầu quế được xuất khẩu theo kê khai doanh nghiệp, là nhóm thực phẩm hàng hóa xuất khẩu thông thường, mục đích sử dụng không phải làm nguyên liệu thuốc hay dược liệu. 

Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng là tinh dầu quế tự nhiên để làm nguyên liệu cho thực phẩm, đồ uống thì doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai báo, tuân thủ theo đúng quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về hàng hóa xuất khẩu.

 

Trung Quân - Báo Nông nghiệp

Các tin khác

Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo

Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo

Triển khai nhiều giải pháp, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói riêng và ngành lúa gạo Việt Nam nói chung.

Không để tiếp tục chậm trễ trong phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024

Không để tiếp tục chậm trễ trong phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công 2024.

Thủ tướng chỉ thị đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững

Thủ tướng chỉ thị đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.