Chuyển đổi số trong nông nghiêp là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu người nông dân

Chiều nay (27/12), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức hội thảo trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số ngành NN&PTNT.

Chuyển đổi số trong NN&PTNT cần một tầm nhìn xa, lựa chọn được cách tiếp cận đúng, có bước đi phù hợp và được hỗ trợ thỏa đáng từ chính sách của Nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp số.

Thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu được áp dụng trong các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp đã mang lại những kết quả khả quan. Tuy nhiên, quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương. Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ, với diện tích rừng được Nhà nước giao quản lý là 16,2 triệu ha, trong lĩnh vực chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện có 250.000 hộ gia đình hưởng lợi trên diện tích 6,5 triệu ha và 1.900 tổ chức Nhà nước là chủ rừng được hưởng lợi. Nếu thiếu công nghệ số thì sẽ rất khó khăn trong việc chi trả do địa bàn rộng...

Gắn với chuyển đổi số, ngành đã xây dựng hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp và tiếp cận đến từng lô rừng. Mỗi lô rừng bình quân khoảng 10 ha, còn khoảnh là 100 ha và tiểu khu là 1.000 ha. Mỗi lô rừng có 52 trường dữ liệu với các dữ liệu được số hóa từ hình dạng, kích thước diện tích, điều kiện tự nhiên, chủ sở hữu sử dụng, chất lượng rừng. Ông Điển nhận định: “đây mới chỉ là bước đầu trong việc chuyển đổi số và còn rất nhiều việc phải làm như: tiếp tục số hóa cơ sở dữ liệu; tích hợp lại các cơ sở dữ liệu và quan trọng nhất là phải hướng đến người dùng. Đây chính là yếu tố để duy trì sự phát triển của hệ thống, tiến tới cải thiện hơn nữa hệ thống cơ sở dữ liệu để có tính ứng dụng cao trên thực tế”.

Một số ý kiến cho rằng, đại dịch Covid - 19 là khủng hoảng chung của toàn cầu nhưng cũng mang lại những bài học và cơ hội chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong NN&PTNT cần một tầm nhìn xa, lựa chọn được cách tiếp cận đúng, có bước đi phù hợp và được hỗ trợ thỏa đáng từ chính sách của Nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp số.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT)- đánh giá, đây là câu hỏi khó. Hiện Cục đang xây dựng hệ thống dữ liệu kết nối cung cầu. Ngay từ lúc đỉnh điểm của dịch bệnh, tháng 7 vừa qua, Cục đã phối hợp với các chuyên gia hoàn thành xong hệ thống đường dẫn, cho phép khai thác về dữ liệu về sản xuất - cung ứng nông sản tới cấp huyện. “Cơ sở dữ liệu là cái gai góc nhất. Muốn phát triển thị trường thì cần thống kê nguồn cung một cách chuẩn xác. Đồng thời, chuyển đổi số quan trọng nhất là thể chế”, ông Toản nêu quan điểm.

Trước câu trả lời của Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, ông Phùng Đức Tiến nêu quan điểm: thực tế điều ông mong muốn là ứng dụng công nghệ số để kết nối cung cầu. Theo đó, cần phải có số liệu cụ thể một năm thu hoạch mỗi loại nông sản bao nhiêu, trong đó có con số cụ thể từng tháng. Từ đó, tính toán đem đi tiêu thụ ở thị trường nào, bao nhiêu sản lượng đưa vào chế biến sâu, bao nhiêu xuất khẩu, bao nhiêu tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Ông Phùng Đức Tiến đánh giá: nếu thống kê cung - cầu mà chỉ có mỗi dự báo tổng hợp về nguồn cung mà không biết bao nhiêu sẽ chế biến sâu, xuất khẩu, tiêu thụ nội địa, phân ra từng thị trường thì không giải quyết được vấn đề. Làm được điều này thì mới giảm được mùa mất giá, đây là kết nối cung - cầu để tính tính toán phương án rải vụ, ứng dụng khoa học công nghệ, lập kế hoạch tiêu thụ.

Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai nêu ý kiến, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, cần sớm có định hướng tổng thể từ Trung ương đến địa phương. "Nếu mỗi địa phương thuê một đơn vị tư vấn và sử dụng một phần mềm ứng dụng, sau này có phần mềm ứng dụng thống nhất chung toàn quốc thì những phần mềm mà các địa phương đang triển khai phải bỏ đi, làm lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Vì vậy, cần có định hướng và xác định những nhiệm vụ trọng tâm như: phân cấp và chia lộ trình để thực hiện tổng thể từ Trung ương đến cấp xã, giúp cho các địa phương có thể xây dựng kế hoạch thực hiện tốt”, ông Phong nêu ý kiến.

Nhiệm vụ chuyển đổi số ngành nông nghiệp được xây dựng trên 3 trụ cột gồm: Bộ NN&PTNT số - kinh tế nông nghiệp số - nông dân số. Thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu được áp dụng trong các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp đã mang lại những kết quả khả quan, tuy nhiên, quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng miền, địa phương.

Tại các sự kiện về nông nghiệp gần đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thường chia sẻ câu chuyện “mù mờ”. Theo đó, người nông dân “mù mờ” về nhu cầu thị trường, từ sản lượng cho đến quy chuẩn chất lượng. Việc nuôi trồng thường dựa trên thông tin loáng thoáng, truyền tai nhau. Người kinh doanh nông sản “mù mờ” về nơi sản xuất, khiến việc truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn. Người tiêu dùng “mù mờ” về nguồn gốc, xuất xứ, về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các doanh nghiệp tiêu thụ “mù mờ” về sản lượng cho đến thời điểm thu hoạch. Cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp “mù mờ” về thông tin mùa vụ, về nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Có thể thấy bài toán “mù mờ” là vấn đề mà ngành nông nghiệp cần sớm đưa ra lời giải thỏa đáng!

Ông Vũ Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thông tin, hiện chỉ khoảng 40% Hợp tác xã (HTX) ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh. Vì vậy, Cục đang phối hợp với các doanh nghiệp để hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh như triển khai nhật ký điện tử sản xuất, sử dụng điện thoại thông minh để giám sát đồng ruộng, tham gia vào sàn giao dịch điện tử để xuất khẩu.

Theo ông Phùng Đức Tiến, chuyển đổi số là động lực quan trọng trong đổi mới sáng tạo nông nghiệp, xây dựng nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm bền vững. Chuyển đổi số là cơ hội, bài toán thực hiện hoá mục tiêu người nông dân sản xuất nông sản với chất lượng, chi phí tốt nhất mà sản phẩm bán được giá cao nhất. Hiện, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đứng thứ 15 thế giới và đứng thứ 2 khu vực. Chúng ta còn tiềm năng vươn lên, nếu xây dựng được Bộ NN&PTNT số, kinh tế nông nghiệp số và nông dân số. “Chuyển đổi số trong nông nghiệp cần một tầm nhìn xa, lựa chọn được cách tiếp cận đúng, có bước đi phù hợp và được hỗ trợ thỏa đáng từ chính sách của Nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp số, nông nghiệp Việt Nam sẽ có những chuyển biến nhanh, toàn diện trong thời gian tới”, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Đồng thời cho rằng, thành công của chuyển đổi số là phải làm cùng nhau, tất cả cùng làm. Do đó, cách tiếp cận cùng nhau là bắt buộc đối với chuyển đổi số trong nông nghiệp. Phải dựa trên sự phát triển liên kết chuỗi ngang và dọc, hình thành phương thức mới và các mạng lưới hợp tác, kết nối giữa các đơn vị nội ngành và ngoài ngành, tạo ra nông nghiệp kết nối và chia sẻ, gắn chặt với thương mại số.

Hoàng Lan DNTH (T/h)
https://doanhnghiepthuonghieu.vn/chuyen-doi-so-trong-nong-nghiep-la-co-hoi-chia-khoa-de-hien-thuc-hoa-muc-tieu-nguoi-nong-dan-p36598.html

Các tin khác

Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo

Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo

Triển khai nhiều giải pháp, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói riêng và ngành lúa gạo Việt Nam nói chung.

Hàng trăm tấn tinh dầu quế tồn kho, VPSA kiến nghị Chính phủ gỡ khó

Hàng trăm tấn tinh dầu quế tồn kho, VPSA kiến nghị Chính phủ gỡ khó

Tinh dầu quế tồn kho do vướng quy định xuất khẩu, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) có văn bản kiến nghị Chính phủ tháo gỡ

Không để tiếp tục chậm trễ trong phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024

Không để tiếp tục chậm trễ trong phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công 2024.