Nhiều chợ truyền thống phía nam hoạt động trở lại đón người dân có 'thẻ xanh COVID'

Theo tin từ Tổ công tác phía nam của Bộ Công Thương, nhiều địa phương bước đầu kiểm soát được dịch đã khôi phục các hệ thống phân phối hàng hóa như chợ, siêu thị phục vụ người dân có 'thẻ xanh' COVID đến mua hàng. Bộ Công Thương nhìn nhận, việc khôi phục lại hoạt động các chợ đầu mối và siêu thị là cơ sở để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa trong những tháng cuối năm.

Các siêu thị, chợ đầu mối được khôi phục lại sẽ là cơ sở để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa trong những tháng cuối năm. Ảnh: MOIT
 
Hiện tại, TPHCM đã khôi phục hoạt động 15 chợ truyền thống (chợ Bình Thới, Quận 11 mở từ ngày 3/10), 105/106 siêu thị và 2.847/3.101 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm bình ổn hoạt động phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền tiếp tục hoạt động, Ban quản lý chợ thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc ra vào khu vực chợ đầu mối, người dân khai báo y tế, có test nhanh COVID-19 và quét mã QR.

Ngay khi chính quyền Thành phố nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 1/10, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã mở cửa cho người dân có 'thẻ xanh COVID', người dân chỉ cần khai báo y tế và thực hiện quy tắc 5K được vào mua hàng trực tiếp.

Riêng trong ngày Chủ nhật (3/10), sức mua hàng tại các hệ thống siêu thị tăng 10% so với hôm trước đó (thứ Bảy) và tăng hơn 35% so với ngày thường. Các siêu thị thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát lượng người ra vào và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch. Giá hàng hóa tại siêu thị, điểm bán hàng tiện lợi ổn định. Giá hàng bán online, các điểm bán bên ngoài giảm nhẹ so với trước đó do thêm nhiều điểm bán hàng, người dân mua hàng thuận lợi, chi phí giao hàng giảm.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mặc dù phần lớn các địa phương vẫn áp dụng hình thức đi chợ theo phiếu hoặc thông qua các tổ đi chợ hộ, đặt hàng qua các ứng dụng online, tuy nhiên tại một số xã, huyện, các chợ đã hoạt động trở lại, nguồn cung các mặt hàng thực phẩm phong phú hơn, giá cả ổn định hơn. Một số các cửa hàng Bách Hóa Xanh, siêu thị Co.opMart Bà Rịa đã bán hàng trực tiếp cho người dân. Lượng người vào mua hàng được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tập trung đông người.

Tại tỉnh Đồng Nai, hiện có 8/11 siêu thị mở cửa, 74/148 chợ truyền thống và 227 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Để bảo đảm cung ứng hàng cho người dân, tỉnh Đồng Nai đã triển khai thêm 268 điểm bán hàng thay thế chợ đóng cửa trong mùa dịch, tổ chức 539 chuyến xe bán hàng lưu động phục vụ người dân tại các ̣vùng phong tỏa (TP. Biên Hòa). Chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Dầu Giây vẫn duy trì hoạt động với tổng số tiểu thương đăng ký kinh doanh đủ điều kiện theo phương án là 60 tiểu thương. Hàng hóa thiết yếu và lương thực được bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Tại TP. Đà Nẵng, giá cả hàng hóa ổn định, không có biến động bất thường, các quầy hàng đều thực hiện niêm yết giá hàng hóa. Số hộ kinh doanh tại chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Hàn ổn định. Các chợ đều bố trí luân phiên tối đa 50% số lượng gian hàng/quầy hàng và có màng chắn ngăn cách người bán và người mua.

Chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm

Bộ Công Thương dự báo, thời gian tới, nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao sẽ giúp thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo ra động lực tăng trưởng cho các tháng cuối năm. Dự kiến năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 3-4% so với năm 2020 (thấp hơn so với mục tiêu 8%).

“Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Tổ công tác đặc biệt phía nam của Bộ Công Thương thời gian qua là làm sao để các địa phương duy trì được hệ thống phân phối như siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống bảo đảm ổn định lưu thông hàng hóa. Thời điểm này, nhiều địa phương bước đầu khống chế được dịch cũng dần mở lại chợ đầu mối, chợ truyền thống sẽ tiếp tục ổn định cung cầu hàng hóa, tạo bước đà cho hoạt động mua sắm cuối năm”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu, cụm công nghiệp để khôi phục nhanh nhất hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm, tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua.

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, bảo đảm phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt vùng có dịch, ổn định cung cầu - giá cả; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi nhất cho việc lưu thông hàng hóa thông suốt trên địa bàn cả nước.

Tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm trong những tháng cuối năm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, đầu cơ, găm hàng, nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh… tạo môi trường thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển.

Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố phía nam để từng bước mở lại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cơ sở, hộ kinh doanh trên cơ sở bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch. Việc mở lại các chợ, siêu thị sẽ tạo môi trường tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy phát triển sản xuất. Đồng thời, Bộ Công Thương đang khẩn trương triển khai các chương trình bình ổn, kích cầu như: Triển khai thực hiện Chỉ thị tổ chức đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2022, Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2021 dịp Tết Dương lịch Tết Nguyên đán 2022, chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”.

Cục Xúc tiến thương mại tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các chương trình kết nối cung cầu trong và ngoài nước bằng hình thức trực tuyến, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản, tạo đơn hàng mới cho những tháng cuối năm 2021 và là tiền đề cho năm 2022.


PT - Chinhphu.vn

Các tin khác

Sầu riêng Đắk Lắk đối mặt nhiều rủi ro khi phát triển 'nóng'

Sầu riêng Đắk Lắk đối mặt nhiều rủi ro khi phát triển 'nóng'

Đắk Lắk có diện tích sầu riêng đứng đầu cả nước và đang đứng trước thách thức làm sao nâng cao chất lượng để xuất khẩu bền vững.

Triển vọng thị trường bất động sản năm 2024

Triển vọng thị trường bất động sản năm 2024

Thị trường BĐS năm vừa qua khá ảm đạm, thanh khoản và giá bán cũng ở mức thấp do tình hình kinh tế chung khó khăn, các doanh nghiệp bất động sản gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh bị trì trệ.

Viên nén gỗ, tương lai và thách thức

Viên nén gỗ, tương lai và thách thức

Trước đây, viên nén của Việt Nam chỉ có 2 thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, nay có thêm thị trường châu Âu, tương lai nhu cầu còn tăng rất cao…