Sầu riêng Đắk Lắk đối mặt nhiều rủi ro khi phát triển 'nóng'

Đắk Lắk có diện tích sầu riêng đứng đầu cả nước và đang đứng trước thách thức làm sao nâng cao chất lượng để xuất khẩu bền vững.

Diện tích cấp mã vùng trồng chưa đến 10%

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức hội nghị tổng kết ngành hàng sầu riêng năm 2023 phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Hiện Đắk Lắk có tổng diện 32.785 ha, tăng hơn 10 nghìn ha so với năm 2022. Sản lượng ước đạt 281.350 tấn, tăng 93.364 tấn so với năm 2022. Địa phương này có diện tích đứng đầu cả nước nhưng sản lượng đứng thứ 2 sau Tiền Giang. Tổng giá trị thu về của niên vụ sầu riêng năm 2023 khoảng từ 1-1,2 tỷ đồng/ha, lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng/ha.

Sầu riêng xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk sang thị trường Trung Quốc năm 2023 khoảng 40-45 nghìn tấn, giá trị từ 150-160 triệu USD. Trên thực tế giá trị xuất khẩu sầu riêng của Đắk Lắk lớn hơn nhiều do đa số mã vùng trồng của tỉnh hiện nay đang ký kết với doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, giá sầu riêng tăng cao so với trước đây, đó cũng là tín hiệu đáng mừng đối với người trồng sầu riêng.

Hiện nay diện tích sầu riêng đứng đầu cả nước với trên 32 nghìn ha. Ảnh: Quang Yên.

Hiện nay diện tích sầu riêng đứng đầu cả nước với trên 32 nghìn ha. Ảnh: Quang Yên.

Tuy nhiên, diện tích sầu riêng tăng ồ ạt như hiện nay không theo định hướng, khuyến cáo của cơ quan lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến một số khó khăn nhất định như: cung vượt quá cầu, dư thừa sản lượng, một số vùng trồng không phù hợp, không chủ động nguồn nước tưới sẽ gây thiệt hại về năng suất vàchất lượng sầu riêng của tỉnh, việc tăng diện tích ở những vùng không phù hợp đã dẫn tới phá vỡ quy hoạch của một số cây trồng khác.

Đắk Lắk hiện có 68 vùng trồng sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số, với tổng diện tích khoảng 2.521 ha. Số vùng trồng sầu riêng chờ phía Trung Quốc kiểm tra phê duyệt mã số là 147 vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích 3.500 ha. Hiện nay, vùng trồng được cấp mã tại Đắk Lắk thấp, chỉ chiếm khoảng 7% trên tổng diện tích sầu riêng.

“Vùng sản xuất sầu riêng còn nhỏ lẻ, chưa có vùng nguyên liệu rộng lớn, trình độ kỹ thuật của nông dân còn thiếu và yếu cả về tư duy sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp theo quy định của nước nhập khẩu. Việc liên kết giữa đại diện vùng trồng, các đơn vị xuất khẩu với người dân chưa thực sự công khai, minh bạch, rõ ràng, chưa bền vững.

Nhận thức của đại diện vùng trồng, cơ sở đóng gói trong việc quản lý, sử dụng mã số còn nhiều hạn chế, chưa thể hiện rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tham gia chuỗi liên kết; chưa nhận thức đúng đắn giá trị, tầm quan trọng đối với mã số được cấp”, ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, nhiều cơ sở sau khi được cấp mã số vùng trồng, đóng gói thiếu sự duy trì chất lượng, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. Trong thời gian qua một số lô hàng sầu riêng xuất khẩu đã nhận cảnh báo của nước nhập khẩu, dẫn đến phải tạm dừng sử dụng mã số đối với các đơn vị có lô hàng nhiễm rệp sáp đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc.

Hiện nay sầu riêng Đắk Lắk gặp nhiều thách thức do diện tích tăng nhanh. Ảnh: Quang Yên.

Hiện nay sầu riêng Đắk Lắk gặp nhiều thách thức do diện tích tăng nhanh. Ảnh: Quang Yên.

Các hộ tại vùng trồng được cấp mã số này đa số bán cho các thương lái, nên thương lái chưa quan tâm đến mã vùng và thực hiện truy xuất nguồn gốc. Cơ sở đóng gói hoạt động theo mùa vụ, vì vậy công tác điều tra nguyên nhân vi phạm và đưa ra các biện pháp khắc phục khi nhận được thông báo vi phạm kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng gian dối, đánh cắp mã số vùng trồng; tranh mua, tranh bán; tình trạng chốt giá sớm, nông dân sẵn sàng bẻ cọc hợp đồng... dẫn đến khó phát triển ngành hàng bền vững.

Cần nâng cao chất lượng

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, để ngành hàng phát triển thì cần nâng cao chất lượng, kiểm soát quá trình sản xuất từ đó nâng cao chất lượng sầu riêng.

 

Theo ông Hiếu, xây dựng uy tín của ngành hàng sẽ giúp mở rộng thị trường, việc này sẽ nâng cao thu nhập cho người nông dân. Khi nâng cao chất lượng sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành sầu riêng Việt Nam trên trường quốc tế.

Thị trường Trung Quốc vẫn là nơi tiêu thụ chính của sầu riêng Việt Nam. Ảnh: Quang Yên.

Thị trường Trung Quốc vẫn là nơi tiêu thụ chính của sầu riêng Việt Nam. Ảnh: Quang Yên.

“Để nâng cao chất lượng sầu riêng cần xây dựng hệ thống văn bản pháp luật về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm, gian lận mã số.

Tổ chức lại ngành hàng bền vững, tạo không gian để nông dân, doanh nghiệp hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Phát triển chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ các khâu. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng sơ chế, chế biến, bảo quản quy mô lớn đi kèm với tăng cường liên kết trong sản xuất”, ông Hiếu chia sẻ. 

Theo ông Lê Anh Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk, thị trường Trung Quốc là thị trường chính của sầu riêng Việt Nam. Tuy nhiên, sầu riêng Việt Nam thời gian qua liên tục bị cảnh báo tại các nước nhập khẩu. Nếu không có giải pháp, hành động thì ngành hàng sầu riêng sẽ bị ảnh hưởng. Các nước nhập khẩu sẽ đưa ra biện pháp ngăn chặn. Việc này sẽ khiến uy tín thương hiệu sầu riêng Việt Nam bị giảm sút trên thị trường quốc tế.

“Thời gian thu hoạch sầu riêng Đắk Lắk ngắn nhưng sản lượng lớn. Việc thu hoạch vào mùa mưa nên nấm bệnh, chất lượng không tốt. Độ khô sầu riêng chỉ ở 28% rất thấp so với Thái Lan. Do đó cần tạo ra quy trình chung trong canh tác, thu hoạch sầu riêng. Cần lấy mẫu test trước thu hoạch nhằm bảo vệ người dân và doanh nghiệp”, ông Trung nói.

Từ đó, ông Lê Anh Trung đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk cần bố trí ngân sách cho Hiệp hội để tăng cường tập huấn quy trình kỹ thuật, phối hợp chuyên gia đưa ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, thu hoạch. Tiến hành lấy mẫu trước thu hoạch.

“Hiệp hội sẽ cùng cơ quan chức năng triển khai tăng cường kiểm tra, giám sát tại vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đặc biệt sớm ban hành tiêu chuẩn Việt Nam về ngành hàng sầu riêng. UBND tỉnh cần bố trí nguồn vốn để làm VietGAP cho các vùng trồng”, ông Trung nói thêm.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, bên cạnh những thuận lợi, ngành nông nghiệp nói chung và ngành sầu riêng của địa phương nói riêng còn phải đối mặt với những khó khăn thách thức.

Trong thời gian tới, để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk cũng như công tác tổ chức sản xuất đạt hiệu quả, địa phương sẽ tập trung sản xuất đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO:22.000... Đắk Lắk cũng tích cực xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, truy suất nguồn gốc, kiểm soát tốt đối tượng kiểm dịch thực vật.

Theo ông Văn, địa phương sẽ nâng cao năng lực cơ sở sơ chế, bảo quản đông lạnh, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại đảm bảo đáp ứng quy định của nước nhập khẩu.

Phát triển ngành hàng sầu riêng có định hướng theo quy hoạch; tăng cường áp dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch. Đảm bảo sầu riêng được trồng và chăm sóc bằng các phương pháp thâm canh bền vững, không sử dụng các hóa chất độc hại trong quá trình canh tác, bảo quản và chế biến.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương sẽ tập trung nâng cao chất lượng để ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững. Ảnh: Quang Yên.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương sẽ tập trung nâng cao chất lượng để ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững. Ảnh: Quang Yên.

Đồng thời, cần tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho hộ sản xuất trong vùng được cấp mã số. Hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý sâu bệnh theo hướng an toàn, sinh học, ghi chép nhật ký sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

“Đẩy mạnh xây dựng các mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, trang trại sản xuất để chuyển đổi hình thức sản xuất tiêu thụ thụ động sang sản xuất tiêu thụ theo hợp đồng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn vùng trồng, cơ sở đóng gói, thực hiện đúng các quy định tại Nghị định thư về quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Có như vậy thì ngành hàng này mới phát triển lâu dài, bền vững”, ông Văn nhấn mạnh.

 

Minh Quý - Báo Nông Nghiệp

Các tin khác

Triển vọng thị trường bất động sản năm 2024

Triển vọng thị trường bất động sản năm 2024

Thị trường BĐS năm vừa qua khá ảm đạm, thanh khoản và giá bán cũng ở mức thấp do tình hình kinh tế chung khó khăn, các doanh nghiệp bất động sản gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh bị trì trệ.

Viên nén gỗ, tương lai và thách thức

Viên nén gỗ, tương lai và thách thức

Trước đây, viên nén của Việt Nam chỉ có 2 thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, nay có thêm thị trường châu Âu, tương lai nhu cầu còn tăng rất cao…

Quy mô thị trường phân bón thế giới đang phình to

Quy mô thị trường phân bón thế giới đang phình to

Hãng nghiên cứu Precedence Research dự báo, quy mô thị trường phân bón toàn cầu đạt 201,1 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ cán mốc 271,6 tỷ USD vào năm 2030.