Hợp tác quốc tế là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa
Ngày 10/2, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị Hợp tác quốc tế ngành Nông nghiệp để chia sẻ các kết quả trong thời gian qua và thảo luận nhằm tăng cường hiệu quả công tác hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, hợp tác quốc tế thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập trở thành một xu thế tất yếu.
Việt Nam đã tham gia và đang triển khai 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng thời tiếp tục đàm phán Hiệp định thương mại tự do mới với Israel, Canada. Về cơ bản, Việt Nam đã ký kết FTA với tất cả các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) trọng điểm. Đây là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh trên thế giới.
Việc ký kết và triển khai các FTA đã tạo ra cơ hội lớn của xuất khẩu NLTS. Năm 2022, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động cũng như các tác động của biến đổi khí hậu, kim ngạch xuất khẩu NLTS của Việt Nam tiếp tục đạt kỷ lục mới 53,22 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021.
Công tác mở cửa thị trường đã có nhiều bước tiến nổi bật như việc mở cửa thị trường cho sầu riêng, khoai lang, tổ yến sang Trung Quốc, bưởi sang Hoa Kỳ, thịt gà chế biến sang Nhật Bản, bưởi và chanh sang New Zealand...
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng đã và đang tích cực thúc đẩy thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA), trao đổi kinh nghiệm xây dựng và chuyển giao công nghệ góp phần đẩy nhanh quá trình tiếp cận nền khoa học tiên tiến, trình độ lãnh đạo và quản lý kinh tế hiện đại.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, công tác hợp tác quốc tế luôn cần đi trước một bước để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi thách thức, tận dụng mọi cơ hội với những cách làm sáng tạo, phục vụ đắc lực cho chủ trương của Đảng và Nhà nước, hướng tới mục tiêu “nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh”.
"Về công tác hợp tác quốc tế, dù ở cấp Bộ hay cấp các đơn vị trực thuộc, cần hiểu rằng chúng ta hành động vì hình ảnh quốc gia. Sản phẩm hợp tác dù là công trình hay phi công trình, tư vấn kỹ thuật thì đều là tài sản quốc gia, là sự trông đợi của người dân".
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan
Ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục cải thiện năng lực hợp tác quốc tế
Trong thời gian qua Bộ NN-PTNT đã tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế quan trọng, tạo dựng hình ảnh đối tác đáng tin cậy, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã được Liên hợp quốc lựa chọn để tổ chức Diễn đàn Hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu vào tháng 4 năm nay. Đồng thời, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã lựa chọn Việt Nam là một trong ba quốc gia đầu tiên thí điểm Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo Lương thực thực phẩm (Food Innovation Hub).
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN-PTNT, trình bày Dự thảo Chiến lược hợp tác quốc tế ngành NN-PTNT đến năm 2030.
Chiến lược phân ra ba nhóm nhiệm vụ và giải pháp chính, bao gồm chủ động hội nhập quốc tế, phát huy lợi thế tốt nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam; tăng cường quan hệ đối tác, xây dựng hình ảnh tốt đẹp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam; tối ưu hóa việc huy động và sử dụng nguồn lực bên ngoài cho ngành NN-PTNT Việt Nam.
Về công tác triển khai thực hiện, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đã đưa ra một số đề xuất. Thứ nhất, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức về công tác hợp tác quốc tế, triển khai hiệu quả các hiệp định đã ký liên quan đến ngành.
Thứ hai, tăng cường giám sát, đánh giá thường xuyên nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chiến lược, đồng thời rà soát, điều chỉnh chiến lược phù hợp với từng giai đoạn, điều kiện thực tiễn.
Thứ ba, xây dựng Quy chế đối ngoại ngành NN-PTNT, thống nhất đầu mối quản lý và tác phong hợp tác quốc tế.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; đào tạo, bổ nhiệm công chức đảm bảo chất lượng năng lực và đạo đức trách nhiệm; đào tạo cán bộ về kĩ năng đàm phán, pháp lý, phân tích thị trường, quản lý nông nghiệp sinh thái; thực hiện cơ chế tuyển dụng, sử dụng nhân tài phù hợp.
Thứ năm, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách, phối hợp với các nguồn hỗ trợ quốc tế; đảm bảo trang thiết bị đồng bộ, hiện đại cho các cơ quan hợp tác quốc tế trong ngành.
Bà Nguyễn Minh Hằng, đại diện Bộ Ngoại giao đánh giá công tác hợp tác quốc tế trong ngành nông nghiệp đã được triển khai mạnh mẽ, chủ động, tích cực. “Trong các hoạt động quốc tế, các diễn đàn song phương và đa phương, chúng tôi tự hào rằng lĩnh vực nông nghiệp là một trong những lĩnh vực đóng góp tích cực nhất. Ngành nông nghiệp thật sự là một điểm sáng, là một lĩnh vực mà Việt Nam có tiếng nói và uy tín trên trường quốc tế”, bà Hằng cho biết.
Đóng góp ý kiến nhằm xây dựng định hướng hợp tác quốc tế ngành nông nghiệp, bà Hằng nhận định, ngành nông nghiệp có thể tập trung xây dựng chiến lược đối ngoại để đóng góp chung vào triển khai đường lối đối ngoại của đất nước.
Dự báo xu thế thế giới năm 2023 ảnh hưởng tới nền nông nghiệp, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, thế giới đang trải qua giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, năm 2023 xuất hiện những tín hiệu tích cực với những “làn gió xuôi”, thị trường của Trung Quốc mở cửa, xu hướng tiêu dùng phục hồi đa tốc độ... sẽ tạo cơ hội để ngành nông nghiệp tiếp cận mạnh mẽ hơn với người tiêu dùng và đa dạng hóa các thị trường.
Với xu hướng xanh hóa và phát triển bền vững, các tổ chức quốc tế và các quốc gia đang đi vào thực thi, triển khai cụ thể các cam kết. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến phá rừng, lương tối thiểu... đang đặt ra những yêu cầu mới về hàng xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, theo đại diện Bộ Ngoại giao, các sản phẩm nông nghiệp cần tích hợp đa giá trị, mang tính bền vững để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường các nước nhập khẩu.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nông sản vừa là mặt hàng quan trọng và cũng là mặt hàng nhạy cảm, việc mở cửa thị trường có thể gây ra cạnh tranh, thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước, bà con nông dân, đặc biệt đối với các mặt hàng nhạy cảm như lúa gạo, muối, đường. Vì vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bộ và các cơ quan liên quan trong công tác mở cửa thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã phối hợp hiệu quả với Bộ NN-PTNT trong các công tác xúc tiến thương mại, phòng vệ thương mại để nông sản Việt Nam vượt qua các hàng rào kỹ thuật, xuất khẩu ra thị trường quốc tế.