Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, nông nghiệp – lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế – được định hướng theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nhằm tận dụng tối đa tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Tại Diễn đàn Nông nghiệp 2025 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, các chuyên gia cho rằng kinh tế xanh không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu. Điều này đòi hỏi nông nghiệp phải chuyển từ tư duy “sản xuất tối đa” sang “sản xuất tối ưu” – vừa đảm bảo năng suất, vừa duy trì hệ sinh thái bền vững.
Trong khi đó, kinh tế tuần hoàn được xem là giải pháp chiến lược cho ngành nông nghiệp. Thực tế tại nhiều địa phương đã chứng minh hiệu quả mô hình tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón, năng lượng, thức ăn chăn nuôi, đồng thời hạn chế tối đa chất thải ra môi trường. Tuy nhiên, những mô hình này vẫn còn phân tán, thiếu quy chuẩn và thiếu các cơ chế hỗ trợ đồng bộ.
Một trong những lực lượng có thể đi đầu trong hành trình chuyển đổi này chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tại khu vực nông thôn. Nhờ sự linh hoạt, am hiểu địa phương và khả năng thích ứng nhanh, SMEs có thể tiên phong ứng dụng công nghệ xanh, xây dựng mô hình canh tác bền vững, phát triển sản phẩm OCOP và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với khối doanh nghiệp này vẫn là vốn, thiếu liên kết, thiếu hạ tầng kỹ thuật, và khó tiếp cận thông tin thị trường.
Trước thực trạng đó, vai trò của các tổ chức trung gian như Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam (VARISME) ngày càng trở nên quan trọng. Dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Nguyễn Ngọc Quang, VARISME đã và đang xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông thôn theo hướng: liên kết – đào tạo – chuyển đổi số – xúc tiến thương mại – ứng dụng kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quang, VARISME đã kết nối các doanh nghiệp hội viên tại hơn 30 tỉnh, thành, triển khai các mô hình sản xuất sạch, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đào tạo kỹ năng nghề và tư vấn chuyển đổi cây trồng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng đã xúc tiến hợp tác quốc tế với các tổ chức như TFO Canada, mở ra cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm nông nghiệp nông thôn.
Tuy vậy, để kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thực sự đi vào thực tiễn, ông Quang kiến nghị cần sớm ban hành các chính sách tín dụng xanh, bảo hiểm nông nghiệp, ưu đãi đầu tư công nghệ tái chế, cùng với đó là các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, hạ tầng, và xây dựng vùng nguyên liệu bền vững.
Câu chuyện thành công của nhiều doanh nghiệp hội viên VARISME như Kim Hằng (liên kết tiêu thụ vải thiều), hay các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Tây Nguyên, là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng phát triển mô hình tuần hoàn – xanh tại nông thôn Việt Nam.
Tổng kết tại Diễn đàn Nông nghiệp 2025, các chuyên gia thống nhất rằng: để kiến tạo một nền nông nghiệp hiện đại, xanh và bền vững, cần sự chung tay từ bốn nhà: nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nông thôn chính là “hạt nhân năng động”, còn các hiệp hội như VARISME là “chất xúc tác kết nối”.