Với đặc điểm dễ nuôi, thời gian nuôi ngắn, chi phí thấp, dễ tiêu thụ, nuôi lươn không bùn trong bể xi măng đã được người dân tại một số địa phương trong tỉnh Sóc Trăng áp dụng thành công. Anh Lương Văn Đức, ấp Phước Thuận, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú nuôi lươn và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đầu năm 2020, anh Lương Văn Đức thống nhất với gia đình tận dụng diện tích đất bên cạnh nhà, xây dựng 10 bể xi măng kiên cố và thả nuôi 20.000 con lươn giống được mua từ thành phố Cần Thơ.
Mỗi bể nuôi lươn không bùn có diện tích 5m2, trong lòng bể được lót gạch men đảm bảo trơn, nhẵn, hạn chế lươn bị sây sát, có ống thoát nước, bơm nước và các chùm dây ni lông làm nơi cho lươn trú ẩn.
Anh Đức cho biết: “Cơ duyên đến với nghề nuôi lươn không bùn trong bể xi măng này là do người quen chỉ dẫn. Sau đó tôi lên mạng tìm hiểu thêm thấy người ta nuôi trong bể xi măng cũng dễ nên quyết định nuôi theo.
Vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm nuôi lươn không bùn từ những người đi trước. Sau gần một năm chăm sóc lươn thương phẩm, gia đình tôi xuất bán với tổng thu nhập khoảng 180 triệu đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận chỉ còn vài chục triệu đồng. Tuy nhiên nhận thấy được tiềm năng của mô hình này khá cao, nên tôi tiếp tục đầu tư nuôi vụ tiếp theo”.
Theo anh Đức, nghề nuôi lươn không bùn trong bể xi măng dễ nuôi, ít bệnh tật, chủ yếu là bỏ công chăm sóc.
Quan trọng là phải thường xuyên theo dõi lươn phát triển để có biện pháp cho ăn hợp lý. Trước khi cho lươn ăn, cần phải thay nước, vừa làm cho môi trường nước không bị bẩn.
Cần phòng tránh bệnh cho lươn, vừa để lươn không ăn phải thức ăn đã cũ còn sót lại, mỗi ngày nên thay nước trong bể nuôi ít nhất 2 lần.
Hiện nay, gia đình anh Đức có khoảng 1.000 con lươn bố mẹ để sinh sản, 6.000 con lươn giống và 6.000 con lươn thịt thương phẩm chuẩn bị thu hoạch.
Đặc biệt, tất cả số lươn này là được chọn lọc, nhân giống từ vụ nuôi trước, nên không tốn chi phí lươn giống đầu vào.
Được biết, thương lái đã liên hệ với anh Đức đặt mua lươn thịt thương phẩm với giá từ 130.000 đồng – 150.000 đồng/kg tùy kích cỡ lươn.Ước tính anh Đức sẽ thu về gần 100 triệu đồng trong đợt nuôi lươn này.
Từ một nông dân chuyên trồng lúa, chỉ bắt đầu tập tành nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, nhưng giờ đây anh Đức và gia đình có thể tự ương lươn giống để thả nuôi và cung cấp cho các hộ nuôi trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng.
Bên cạnh đó, anh cũng nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm nuôi lươn, kỹ thuật nuôi lươn không bùn cho bà con có nhu cầu nuôi lươn ở địa phương.
Đồng chí Nguyễn Minh Sang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của anh Lương Văn Đức đang cho thấy hiệu quả từ sự mạnh dạn dám nghĩ, dám làm của anh, đã góp phần thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã.
Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng rất phù hợp với các hộ dân ít đất sản xuất, những nông dân lớn tuổi, biết tận dụng thời gian nhàn rỗi để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất.
Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng