Chuyển hướng kinh tế nông nghiệp, cách nào?

Các nước trên thế giới, khi nói về nông nghiệp Việt Nam đều đặt trọng tâm vào vùng châu thổ hạ lưu cuối cùng của lưu vực sông Mekong này.

I.

Với một nền nông nghiệp mạnh nhất và ổn định nhất Việt Nam về diện tích, năng suất và sản lượng, vùng ĐBSCL qua nhiều thập kỷ đã chứng minh, như một mặc định chắc chắn, vai trò đóng góp cho lương thực và thực phẩm cho khoảng 2/3 dân số cả nước với hơn 55% sản lượng lúa, xuất khẩu từ 90 - 95% lượng gạo ra thế giới, 65 - 70% lượng trái cây và rau màu các loại, 75% sản lượng nuôi trồng thuỷ sản.

Chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp và bán nông sản thuần tuý sang sản xuất hàng hoá theo chuỗi cung ứng giá trị tăng dần như một nền kinh tế nông nghiệp đa lợi ích. Ảnh: PGS.TS Lê Anh Tuấn.

Chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp và bán nông sản thuần tuý sang sản xuất hàng hoá theo chuỗi cung ứng giá trị tăng dần như một nền kinh tế nông nghiệp đa lợi ích. Ảnh: PGS.TS Lê Anh Tuấn.

Các nước trên thế giới, khi nói về nông nghiệp Việt Nam, từ sản xuất, kỹ thuật canh tác, sinh thái nông nghiệp đến kinh tế, chính sách và cả văn minh, văn hoá đều đặt trọng tâm vào vùng châu thổ hạ lưu cuối cùng của lưu vực sông Mekong này.

Không thể có một vùng đồng bằng nào trên thế giới có thể sánh năng suất sinh học có giá trị cao hơn vùng ĐBSCL, nơi chỉ trong vòng 100 ngày, có thể tạo ra một khối lượng hơn 7 triệu tấn lương thực các loại với một giá thành sản xuất tương đối thấp, chủ yếu là sức lao động tại chỗ và nguồn tài nguyên đất - nước - thời tiết thuận lợi.

Tuy nhiên, nếu dựa vào các con số thống kê nhiều năm, phải khách quan nhìn nhận rằng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp không đủ làm người nông dân giàu hơn, thậm chí họ đang nghèo dần khi khí hậu trở nên bất thường, nguồn nước bị hạn chế, đất đai đang giảm độ phì nhiêu và bắt đầu có những bộc lộ bất cập từ các công trình can thiệp quá nhiều vào các hệ sinh thái tự nhiên.

Hiện nay sự cạnh tranh, thách thức trong nền kinh tế thị trường ngày một gay gắt. Lao động giá rẻ và thói quen bán thật nhiều nông sản thô với giá thấp không còn là một lợi thế. Chính sách đổi mới trong thúc đẩy nông nghiệp, cải thiện nông thôn và cho sinh kế nông dân, dù có thay đổi, nhưng đang đi quá chậm, đôi khi là hình thức, so với thực tiễn xã hội.

Hệ quả là tình trạng người nông dân đang bỏ dần đồng ruộng, rủ nhau lên thành phố và các khu công nghiệp ngày một đông, tạo nên một làn sóng di dân, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trẻ ở nông thôn, thiếu tri thức và thiếu vốn đầu tư.

Liên kết các bên để hướng đến tương lai cho một nên canh tác kinh tế nông nghiệp có công nghệ cao/ nông nghiệp thông minh. Ảnh: PGS.TS Lê Anh Tuấn.

Liên kết các bên để hướng đến tương lai cho một nên canh tác kinh tế nông nghiệp có công nghệ cao/ nông nghiệp thông minh. Ảnh: PGS.TS Lê Anh Tuấn.

Năm 2013, trong báo cáo kế hoạch Đồng bằng Cửu Long (Mekong Delta Plan – MDP) do nhóm chuyên gia của Chính phủ Hà Lan lập, khái niêm doanh nông (agri-bussiness) bắt đầu được giới thiệu và đề xuất cho vùng ĐBSCL như một định hướng mới, nhưng vẫn chưa là một chính sách thực sự của Chính phủ Việt Nam.

Năm 2016, Chính phủ Quyết định 593/QĐ-TTg về Quy chế thí điểm về Liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL và qua năm 2017 Quốc hội có ban hành Luật Quy hoạch làm cơ sở cho các quy hoạch không gian và định hướng cho các chương trình đầu tư phát triển.

Cuối năm 2017, Chính phủ đã xem xét những vấn đề nông nghiệp và nông thôn vùng ĐBSCL từ những báo cáo chuyên gia, nên đã cho ra một quyết sách quan trọng là Nghị quyết 120/NQ-CP về việc phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH như một chiến lược mang tính chính sách giúp ĐBSCL định vị lại quá trình phát triển. Tái cấu trúc và kích hoạt các hoạt động chuyển đổi từ sản xuất thuần nông, chỉ nhắm mục tiêu tạo ra nhiều nông sản, sang nền kinh tế nông nghiệp với mục tiêu tăng giá trị nông sản qua chuỗi chế biến, cung ứng, logistics.

Mặc dù Nghi quyết 120/NQ-CP ban hành cuối năm 2017 nhưng đã gần 4 năm qua, việc chuyển đổi qua nền kinh tế nông nghiệp vẫn chưa có những chuyển biến đáng kể vì còn nhiều rào cản và phải cần những hỗ trợ cần thiết và thời gian cho các chuyển đổi.

II.

Thực tế, người nông dân đây đó ở vùng châu thổ cũng đã tự chuyển đổi sang những hình thái sản xuất nông nghiệp theo hướng làm tăng giá trị nông sản (agricultural products value chains) qua từng khâu cung ứng ra thị trường.

Đối với những gia đình trung nông, đã có truyền thống tự chế biến các hàng nông sản, thuỷ sản của mình như làm bún, bánh tráng, bột các loại lương thực có hạt như gạo, đậu, muối dưa các loại rau cải, phơi sấy củ trái, làm mắm cá, tép… họ tự đóng gói, bỏ mối hoặc trực tiếp bán ngoài chợ thì thu nhập cũng ổn định và có tích lũy. Với cả hàng nông sản có khối lượng lớn hơn như gạo, trái cây, cá da trơn, tôm nước lợ, mặn thì hình thức tập hợp dạng hợp tác xã mua bán và chế biến cũng đem lại lợi ích cho người nông dân.

Không thể có một vùng đồng bằng nào trên thế giới có thể sánh năng suất sinh học có giá trị cao hơn vùng ĐBSCL. Ảnh: LHV.

Không thể có một vùng đồng bằng nào trên thế giới có thể sánh năng suất sinh học có giá trị cao hơn vùng ĐBSCL. Ảnh: LHV.

Người nông dân và hợp tác xã nông nghiệp của họ có thể được sự hỗ trợ của chương trình “Mỗi cộng đồng một sản phẩm” (OCOP). Các hàng nông sản được chế biến thành những sản phẩm, dịch vụ được phát triển dựa trên lợi thế so sánh của cộng đồng, có gia tăng giá trị và ảnh hướng tích cực đến cộng đồng. Sản phẩm được dán nhãn OCOP có thể đăng ký nhãn hiệu độc quyền, tăng thế cạnh tranh trong thị trường. Các thông tin thị trường, phản ánh người tiêu dùng, cộng thêm các yếu tố thời tiết, có thể cập nhật giúp người dân có những quyết định canh tác cho mỗi thời vụ của mình.

Nếu người nông dân tham gia hữu hiệu vào quá trình làm tăng giá trị nông sản, sẽ là cơ hội không chỉ làm tăng thu nhập cho gia đình nông dân, còn có ý nghĩa xã hội trong việc tạo nên công ăn việc làm cho nhiều lao động trong cộng đồng, giảm các tệ nạn xã hội trong nông thôn, kể cả thúc đẩy phát triển làng nghề, bảo tồn văn hoá bản địa, hoạt động du lịch… Các hình thức canh tác nông nghiệp theo các định hướng thị trường ngày một phổ biến.

Ở các công ty lớn hơn, họ có thể kêu gọi người nông dân trồng lúa, nuôi cá, nuôi tôm, cùng nhau gom ruộng đất cùng làm chung, nhưng vẫn sở hữu quyền sử dụng canh tác, đưa các tiến bộ kỹ thuật và cơ giới để sản xuất và bao tiêu sản phẩm đưa qua chế biến, đóng gói, dán nhãn, quảng bá và phân phối ở các chợ, siêu thị và xuất khẩu. Như vậy, người nông dân trở thành một cổ đông trong hoạt động sản xuất và tham gia các bước làm tăng giá trị, không khỏi e ngại thiếu vốn, thiếu kỹ thuật cho quá trình chuyển đổi.

Cách thức tạo nên chuỗi sản xuất - chế biến - cung ứng này đang được một số tập đoàn lớn áp dụng và hoạt động khá ổn định như Vinamit, Vinamilk, Mỹ Lan… Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang kinh tế nông nghiệp dường như không được suôn sẻ, có nhiều rào cản khiến những mong muốn chưa đạt được. Một số nguyên do có thể nhận biết:

Thứ nhất, là thiếu tính liên kết với sự tin cậy chặt chẽ. Có những địa phương triển khai các tiến trình liên kết trong chuỗi sản phẩm nhưng có những lúc xảy ra quá trình bội ước trong giao kèo. Đặc biệt những lúc giá cả, dịch vụ có biến động làm các cam kết trước đó đã không thực thi.

Ví dụ nông dân hứa đem nông sản đến một cơ sở A nào đó để chế biến để có một giá thành cao hơn nhưng khi biết có những đơn vị B nào khác cho giá cả cao hơn thì mang sang đơn vị B và bỏ cơ sở A. Hoặc trường hợp công ty hứa sẽ tiêu thụ sản phẩm đã qua sơ chế của nông dân nhưng khi thị trường quá dư thừa thì từ chối mua hàng của nông dân hoặc ra điều kiệp ép giá thấp hơn hứa hẹn trước đó. Có trường hợp nông dân chạy theo xu hướng chuyển đổi canh tác cây trồng khác khiến kế hoạch cung ứng bị đứt gãy đột ngột.

Thứ hai, là thiếu các thông tin thị trường. Thông tin về giá cả thị trường, quy chuẩn hàng hoá, xu hướng người tiêu dùng. Tình hình sản xuất nông sản trong và ngoài nước không đầy đủ và kênh thông tin không rõ ràng khiến những chuỗi sản xuất mất phương hướng khi mà cả người nông dân, các dịch vụ đi kèm, nhà phân phối chỉ biết sản xuất mà không có những phân tích kinh tế hàng hoá nông sản qua chế biến.

Thứ ba, là thiếu kinh phí và thiếu đầu tư công nghệ. Với sức sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún thiếu kinh phí để đầu tư các kỹ thuật và công nghệ chế biến mới khiến chuỗi cung ứng cấp huyện xã hay cộng đồng nhanh chóng bị lạc hậu. Khó có thể cạnh tranh trên thị trường lớn hơn thay vì chỉ giới hạn như một sản phẩm đơn lẻ trong cục bộ địa phương.

Ngoài ra, hạ tầng vùng nông thôn như điện, nước sạch, đường giao thông, hệ thống thông tin dù đã có những đầu tư qua các chương trình như nông thôn mới, vẫn chưa là cơ sở tốt cho phát triển kinh tế nông nghiệp.

Thứ tư, là thiếu các cải tiến chính sách và thủ tục kịp thời thay vì nhanh chóng tìm ra những điểm thắt về thủ tục hành chính để có những chỉ đạo thay đỗi theo hướng thông thoáng và dễ dàng cho các khâu chuyển đổi.

Thứ năm, là thiếu một quy hoạch chiến lược phát triển bền vững, trong đó có các định hướng cấp vùng rộng hơn và lâu dài hơn, so với các kế hoạch phát triển ở từng địa phương. Luật Quy hoạch năm 2017 có lưu ý nhiều đến tính tích hợp nhưng đến nay vẫn chờ Quy hoạch vùng được phê duyệt, sau đó mới đến các quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch cấp tỉnh.

Bản thân các nhà nông trong cộng đồng phải được nâng cao năng lực. Ảnh: LHV.

Bản thân các nhà nông trong cộng đồng phải được nâng cao năng lực. Ảnh: LHV.

Năm rào cản trên thật ra không phải là mới, ngay cả các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển cũng phải mất nhiều năm mới cải tiến dần. Tuy nhiên ở nước ta, dường như quá trình đi quá chậm so với mong đợi.

Cộng thêm có nhiều yếu tố không tiên đoán được hoặc không chắc chắn như dịch bệnh Covid-19 hay thiên tai hạn - mặn hoặc di dân lao động không kiểm soát có thể làm các kế hoạch trở nên bất khả thi, hoặc phá vỡ thành quả ban đầu và có nguy cơ đưa người nông dân quay trở về kiểu sản xuất nông nghiệp cũ hay tiếp tục khai thác thô tài nguyên thiên nhiên.

Giải pháp tháo gỡ cho 5 rào cản này là sự tổng hợp đa chiều, trước hết vẫn phải từ sự quyết tâm cải tiến chính sách và chỉ đạo liên tục của Chính phủ và chính quyền địa phương, thêm các đóng góp các nhà khoa học, sự đầu tư của các doanh nghiệp, ngân hàng, các hỗ trợ các tổ chức dân sự.

Cuối cùng là bản thân các nhà nông trong cộng đồng phải được nâng cao năng lực, thúc đẩy quá trình tham gia, kể cả hỗ trợ cho các nhóm yếu thế trong nông thôn, để tiến đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững hơn, với một cơ sở kinh tế tuần hoàn làm tăng giá trị sản phẩm và thu nhập, đi xa hơn là hướng đến một nên nông nghiệp thông minh như các nước tiên tiến.

PGS.TS Lê Anh Tuấn

Minh Đảm - Hữu Đức (ghi) - Báo Nông Nghiệp

Các tin khác

Khởi động dự án nghiên cứu chuyển đổi số nông nghiệp ĐBSCL

Khởi động dự án nghiên cứu chuyển đổi số nông nghiệp ĐBSCL

Dự án sẽ tập trung nghiên cứu, đưa ra bức tranh chung về hiện trạng, nhu cầu và thách thức về chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định 321/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 quy định tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.