Quảng Ngãi: Chi sai gần 27 tỷ đồng hỗ trợ thoát nghèo
Tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu thu hồi gần 27 tỷ đồng đã chi sai đồng thời kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ thoát nghèo.
Chi tiền chưa đúng chính sách
Theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐND ngày 30/3/2017 của HĐND tỉnh Quảng Ngãi và Quyết định số 37/2017/QĐ-UBND ngày 2/6/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh này sẽ thực hiện chính sách hỗ trợ, biểu dương khen thưởng đối với hộ gia đình, thôn xã, huyện thoát nghèo vùng miền núi (gồm các huyện miền núi và các xã miền núi thuộc huyện đồng bằng), giai đoạn 2016 – 2020.
Đến năm 2018, các địa phương đã lập hồ sơ đề nghị, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi tổng hợp gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 585/QĐ-UBND ngày 6/7/2018 phân bổ gần 28 tỷ đồng để hỗ trợ cho 1.584 hộ thoát nghèo đồng thời thoát cận nghèo, 2.786 lượt học sinh là con của các hộ này và 2.178 hộ thoát cận nghèo 2 năm liên tục (2016 – 2017) trên địa bàn 12 huyện của tỉnh.
Theo kết quả, các địa phương đã chi gần 27 tỷ đồng, còn hơn 1 tỷ đồng không chi được nộp trả ngân sách tỉnh. Thế nhưng, qua kiểm tra thì tất cả các trường hợp là hộ gia đình thoát nghèo, thoát cận nghèo và con của hộ thoát nghèo được chi trả tiền trong đợt hỗ trợ năm 2018 đều chưa đủ thời gian thoát nghèo, thoát cận nghèo 2 năm liên tục theo chính sách đã quy định.
Cụ thể, tại các huyện Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ có 52 hộ không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu giai đoạn 2016 – 2020 nhưng UBND các xã vẫn đưa vào danh sách đề nghị hỗ trợ và đã nhận được hỗ trợ với tổng số tiền 335 triệu đồng.
Tại các huyện Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Hà và thị xã Đức Phổ đã chi hơn 1,8 tỷ đồng cho 264 hộ chưa đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Còn tại xã Phổ Phong (thị xã Đức Phổ), theo quy định thì hộ thoát cận nghèo 2 năm liên tục (2016 – 2017) chỉ được hỗ trợ 5 triệu đồng nhưng UBND xã lại lập hồ sơ đề nghị và được UBND huyện phê duyệt với số tiền 10 triệu đồng.
Thêm nữa, có 130 học sinh tại thị xã Đức Phổ và các huyện Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Sơn Hà đã được hỗ trợ chi phí học tập không đúng đối tượng với tổng số tiền 117 triệu đồng. Trong khi đó, tại xã Trà Hiệp (huyện Trà Bồng) có 14 em học sinh có cha mẹ được hưởng chính sách hộ thoát nghèo đồng thời thoát cận nghèo 2 năm liên tục, đã lập thủ tục và bố trí kinh phí 12,6 triệu đồng để hỗ trợ chi phí học tập nhưng kế toán UBND xã lại không kịp thời tham mưu rút dự toán kinh phí đẫn đến những học sinh này chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Nghiêm túc xử lý sai phạm
Với những sai sót trên, vừa qua, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký Quyết định thanh tra số 77/KL-UBND nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh này chịu tránh nhiệm chính trong việc tham mưu ban hành chính sách nhưng chất lượng chính sách chưa tốt, chưa dự lường được hết những điểm bất hợp lý, bất cập dẫn đến những vướng mắc, sai sót trong quá trình thực hiện.
Sở Tư pháp tỉnh cũng có tránh nhiệm liên đới trong việc thực hiện nhiệm vụ thẩm định tham mưu trình ban hành chính sách; Sở Tài chính có tránh nhiệm liên đới trong việc chậm trễ tham mưu đề xuất biện pháp hiệu quả, khả thi, đúng pháp luật để xử lý vướng mắc phát sinh, còn thiếu nhất quán trong tham mưu thực hiện chính sách.
Ngoài ra, Trưởng các phòng: Tài chính – Kế hoạch, Lao động – Thương binh và Xã hội, Dân Tộc (các huyện miền núi), Giáo dục và Đào tạo (cả miền núi và đồng bằng), Văn phòng UBND các huyện (các huyện đồng bằng), Chủ tịch UBND các xã và công chức chuyên môn trực tiếp tham mưu để xảy ra sai sót trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện chính sách và trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và chi trả tiền hỗ trợ không đúng đối tượng.
Theo kết luận thanh tra, ông Minh cho biết, về nguyên tắc toàn bộ số kinh phí gần 27 tỷ đồng thực tế đã chi hỗ trợ vào năm 2018 là sai do đó phải thu hồi nộp lại ngân sách tỉnh. Để đảm bảo công bằng, người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Ngãi giao cho Giám đốc Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh tiếp tục bố trí ngân sách tỉnh hỗ trợ theo chính sách để đảm bảo quyền lợi của người dân đủ điều kiện được thụ hưởng mà thời gian qua chưa được hưởng.
Về xử lý trách nhiệm, ông Đặng Văn Minh yêu cầu Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, Chủ tịch UBND các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức và Trưởng Ban Dân tộc tỉnh chỉ đạo xây dựng báo cáo kiểm điểm các hạn chế, khuyết điểm và tổ chức họp tập thể lãnh đạo để kiểm điểm trách nhiệm đối với các sai sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Qua kiểm điểm trách nhiệm phải có đề xuất hình thức xử lý kỷ luật đối với các cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc chi sai chính sách cũng như tham mưu xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách. Đối với Giám đốc các sở: Tư Pháp, Tài chính rút kinh nghiệm về những thiếu sót, chỉ đạo chấn chỉnh trong nội bộ cơ quan để không phạm phải những khuyết điểm tương tự.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Sáng nay, 10/7/2020 diễn ra Hội thảo "chuyên gia về kinh nghiệm quốc tế trong điều trị nghiện ma túy" do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội - số 22 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội.